Vào năm 1895, tại Bạc Liêu có một đám cưới giữa một bên là thầy ký quèn mang họ Trần Trinh và một bên là con gái của ông bá hộ trong vùng. Nhờ đám cưới “một bên có tiền, một bên có tài” ấy mà sau này đất Bạc Liêu có ông hội đồng Trạch giàu có nhất “Nam kỳ lục tỉnh”. Để rồi sau đó nữa, đất Bạc Liêu có thêm một người được xếp vào loại “ăn chơi phóng túng nhất mọi thời đại” ở phương Nam, đó chính là Công tử Bạc Liêu.
- Hé lộ lí do đàn ông thất tình thường đau khổ hơn phụ nữ?
- Khi yêu thật lòng thì đàn ông sẽ làm những điều này cho bạn
- 5 lời khuyên cho đàn ông nếu trót yêu đơn phương
Chuyện tình của cha công tử bạc liêu
Một ngày cuối năm 1895, tại xã Châu Hưng – huyện Vĩnh Lợi – tỉnh Bạc Liêu, diễn ra lễ cưới của cô con gái thứ tư của ông bá hộ Phan Văn Bì, một người giàu có nhất nhì tỉnh Bạc Liêu. Tuy là nhà bá hộ, nhưng đám cưới tổ chức không lớn lắm, vì là đám gả con gái, chú rể lại là một thầy ký quèn. Sinh ra trong gia đình nghèo từ miệt Biên Hòa – Đồng Nai trôi dạt về Bạc Liêu khai khẩn đất hoang, khi mới 12 – 13 tuổi đầu Trần Trinh Trạch (SN 1873) phải đi làm mướn cho một gia đình địa chủ đã nhập quốc tịch Pháp.
Chính cái “nghề” đi làm mướn đã là duyên cớ đưa ông trở thành một trong những người giàu nhất Nam kỳ sau này. Theo qui định thời đó, con cái của những gia đình có quốc tịch Pháp phải đi học trường Pháp. Mà các “cậu ấm” trong gia đình ấy chỉ muốn chơi chứ không chịu học, vậy là ông Trạch được mướn đi học thế cho con của chủ nhà. Nhờ vậy mà ông biết chữ (tất nhiên là chữ Tây), để rồi sau này khi lớn lên ông xin được một chân thư ký ở Tòa Bố tỉnh Bạc Liêu.
Một năm hai lần, ông bá hộ Phan Văn Bì đến Tòa Bố tỉnh Bạc Liêu để làm thủ tục đóng thuế điền địa. Ông được viên thư ký điền địa Trần Trinh Trạch tận tình giúp đỡ. Lâu dần, ông Bì có cảm tình với anh thư ký quèn. Các con ông Bì giỏi ăn chơi, nhưng ít học, vì vậy ông thấy quý học thức ở người thư ký.
Một vài lần thư ký Trạch đến đo đạc ruộng đất nhà ông bá hộ, chính ông Bì đã chủ động cho viên thư ký gặp cô con gái thứ tư của mình. Và khi ông Bì nhận ra giữa hai trẻ “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, ông liền chủ động sắp xếp một cuộc hôn nhân. Sau đám cưới, vợ chồng thư ký Trạch được ông bá hộ cắt chia cho một sở đất riêng cả trăm ha và giúp vốn làm ăn, ông Trạch bỏ nghề “thầy ký” để ở nhà tập trung vào ruộng đất.
Nhờ kiến thức đã có, nhất là hiểu biết về luật pháp đất đai, cộng với vốn liếng cha vợ giúp đỡ, ông Trạch ngày càng tích tụ ruộng đất bằng cách thu mua đất đai của những địa chủ thất cơ lỡ vận. Ngay cả trong gia đình ông bá hộ Bì, hầu hết ruộng đất ông đều chia cho các con, nhưng do ít học, không biết làm ăn, lại máu mê trò chơi, nên dần dà ruộng đất của họ đều được cầm cố và rơi vào tay ông Trạch.
Từ ruộng đất, ông mở mang sang lĩnh vực làm muối và trở thành nhà cung cấp chi phối muối cho cả Nam kỳ, cũng chính nhờ đó ông đã phất lên nhanh, được xếp vào hàng “đại phú” bậc nhất miền Nam. Lúc cao nhất, Trần Trinh Trạch chủ sở hữu 74 sở điền với 110 ngàn ha đất trồng lúa và gần 100 ngàn ha ruộng muối.
Rồi ông bước sang kinh doanh lãnh vực nhà ở với hai dãy phố lầu ở thị xã Bạc Liêu, một dãy phố lầu ở đường La Grandière ở Sài Gòn (nay là đường Lý Tự Trọng). Ông bỏ vốn đầu tư sang lĩnh vực ngân hàng và trở đồng sáng lập Ngân hàng Việt Nam (năm 1927) – ngân hàng đầu tiên do chính người Việt Nam sáng lập và điều hành – có trụ sở đặt tại Sài Gòn, do ông làm Chánh hội trưởng.
Ông Trạch sống cần kiệm, chí thú làm giàu, nhưng ba người con trai ông Trạch có sẵn gia sản kếch sù của cha, nên đều mặc sức phung phí tiền bạc.
Ông Trạch có 7 người con, 4 gái, 3 trai. Trong 3 người con trai của ông Trạch, Trần Trinh Huy (Ba Huy) là có học và bản lĩnh hơn cả, được ông hội đồng chọn làm người kế nghiệp. Một sự lựa chọn làm ông Trạch rất đỗi tự hào khi ấy, nhưng cũng là sự lựa chọn tệ hại nhất cuộc đời ông, chính sự lựa chọn ấy đã làm cho sản nghiệp mà ông dày công gầy dựng đã nhanh chóng bị đổ sông đổ bể.
Ông Trạch sống rất chung thủy với vợ con, cả đời ông chỉ có một bà vợ, ngược hẳn với cậu con trai “quý tử” Trần Trinh Huy sau này ăn chơi bạt mạng, nổi danh khắp Nam kỳ, để lại danh xưng Công tử Bạc Liêu sau khi đã tiêu phá gần hết gia sản của cha.
Năm 1942, đến cuối đời, sau khi mừng thọ tuổi 70 được hơn tháng, ông Trạch nói với cậu công tử Bạc liêu đưa xuống Sài Gòn đổi gió, dối già. Thấy cha muốn đi nghỉ ngơi, cậu con công tử bạc liêu đã đồng ý đưa ba đi. Xuống Sài Gòn, cậu bắt đầu cho cha đi du lịch. Theo dự kiến sẽ đi thăm quan sở thú, đi lên tòa nhà Majetic cao nhất Sài Gòn để ngắm thành phố rồi đi tắm biển Long Hải, Vũng Tàu, đi lên nghỉ ngơi ở thành phố sương mù Đà Lạt.
Tuy nhiên, sau khi đi biển Long Hải về, vì tắm biển lâu nên ông Trạch bị cảm lạnh. Cậu ba Huy đã mời bác sĩ về nhà nhưng cảm lạnh bị biến chứng sâu, do tuổi cao, sức đề kháng kém nên ông Hội đồng Trạch đã tắt thở ở Sài Gòn.
Tiểu sử Công tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy
Trần Trinh Huy, tên thật là Trần Trinh Quy sinh ngày 22 tháng 6 năm 1900, nhưng do cho rằng cái tên “Quy” không sang trọng nên ông đổi lại thành “Huy”. Ngoài tên Công tử Bạc Liêu, Trần Trinh Huy còn mang nhiều tên khác như Ba Huy, Hội đồng Ba (cách gọi của tá điền, sự thật thì Ba Huy không là thành viên trong hội đồng nào), Hắc công tử (do nước da ngăm đen và để phân biệt với Bạch công tử). Trần Trinh Huy là con trai ông Trần Trinh Trạch, tức Hội đồng Trạch và bà Phan Thị Muồi, con gái bá hộ Phan Văn Bì,người có đất ruộng nhiều nhất trong tỉnh Bạc Liêu, người ta tặng cho ông Bá hộ là “Vua lúa gạo Nam Kỳ.
Trần Trinh Trạch từng đi làm viên chức cho tòa hành chính tỉnh Bạc Liêu và là chủ sở hữu của 74 sở điền, với 110.000 ha đất trồng lúa, gần 100.000 ha ruộng muối. Theo lời cháu chắt ông kể lại, toàn tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ (gồm 4 quận Vĩnh Lợi, Cà Mau, Vĩnh Châu, Giá Rai) có 13 lô ruộng muối thì 11 lô là của ông Hội đồng Trạch, một lô còn lại của cha sở và một lô của dân thường. Ông Trạch có bảy người con, 4 gái, 3 trai. Trong 3 người con trai của ông Trạch (Trần Trinh Đinh, Trần Trinh Huy và Trần Trinh Khương) thì Ba Huy là ăn chơi hơn cả. Để tiến kịp thời thượng, cậu Ba xin cha cho đi học ở nước ngoài thay vì lên Sài Gòn học trường Tây. Với tâm lý cha mẹ để cho con bụng chữ còn tốt hơn mấy trăm mẫu đất, cậu Ba Trần Trinh Huy được cho sang Pháp du học. Nhưng thay vì học hỏi kiến thức khoa học như cha mẹ kỳ vọng, cậu Huy lại chỉ thích học những thú ăn chơi ở phương Tây như lái máy bay, lái xe, nhảy đầm,
Khi nghe tin cậu con trai cưng về nước, ông Hội đồng Trạch đã tính chuyện mua xe mới. Dù chiếc xe Ford còn mới nhưng để thiên hạ phải trầm trồ khen ngợi dòng họ Trần Trinh là danh gia vọng tộc, ông Trạch lên hãng xe ở đường Nguyễn Huệ – Lê Lợi ở Sài Gòn sắm xe mới. Khi vào hãng xe, người Tây thấy một ông già nhà quê mặc áo bà ba lục soàn trắng ngả màu ố vàng, tay cầm quạt mo, đi giày hàm ếch họ tỏ vẻ khinh khỉnh. Ông Hội đồng Trạch bất chấp vẻ coi thường của người bán xe, ông ra lệnh cho người đi cùng mình chọn chiếc xe tốt nhất, đắt nhất và cho ông ngồi thử vào để xem có êm không, chạy thích không. Khi hài lòng, ông mở mo cau ra đếm cả cọc tiền khiến những người bán xe mắt tròn, mắt dẹt. Mua xe xong, ông ra Bến nhà Rồng đón cậu con trai đi Tây trở về.
Ngày về nước, Cậu công tử Bạc Liêu đã trực tiếp lái chiếc xe chở ba về Bạc Liêu. Chiếc xe đi với vận tốc 100km trên giờ khiến người ngồi trên xe ai cũng run. Cha mẹ gặng hỏi con về những bằng đại học cậu đã đạt được là bằng kỹ sư hay bằng luật sư. Cậu Ba cười khoái chí khoe ra các giấy tờ học lái máy bay, học lái xe, nhảy đầm, tango. Giai thoại về những tháng ngày du học của ba mình, ông Trần Trinh Đức- con trai của Công tử Bạc Liêu kể: “Ba tôi ham làm nông nên khi sang Pháp ba tôi không đi học ngành chính mà lúc ấy ông chỉ thích đi học lái máy bay, đi học nhảy, học lái xe cũng như đi du lịch thăm thú cách làm nông của người Pháp”.
Ông hội đồng Trạch giao cho Ba Huy trông coi việc điền sản. Ba Huy mướn ngay một người Pháp tên Henry giỏi quản lý về Bạc Liêu cai quản việc làm ăn của gia đình, còn mình thì tập trung vào các thú vui chơi. Theo hợp đồng, người quản lý được hưởng 10% trên tổng số lợi tức thu được hàng năm. Chính vì được trả công hậu hĩnh, ông Henri đã làm mướn cho Ba Huy suốt hàng chục năm, mãi đến tháng 4 năm 1975 mới về nước. Thỉnh thoảng đi thăm các sở điền, Ba Huy mặc veston đi xe hơi. Ông sắm cả ca nô để lướt sóng trên các sông rạch miền Tây vốn chỉ toàn xuồng chèo tay.
Khi đi thăm ruộng, Ba Huy dùng chiếc Ford Vedette, còn đi chơi ông có chiếc Peugeot thể thao, loại xe lúc đó cả miền Nam chỉ có hai chiếc, chiếc kia là của Vua Bảo Đại. Vào thập niên 1930 – 1940, hễ Vua Bảo Đại có thứ gì thì Ba Huy phải sắm cho bằng được thứ ấy, kể cả máy bay. Ba Huy đã làm chấn động dư luận cả nước lúc đó khi đi thăm ruộng bằng máy bay. Lúc ấy cả Việt Nam mới chỉ có hai chiếc máy bay dân sự, một của Vua Bảo Đại, chiếc kia là của Ba Huy.
Một lần tự lái máy bay qua thăm sở điền ở tỉnh Rạch Giá, Ba Huy hứng chí bay ra biển Hà Tiên hóng mát, để rồi lạc sang tận nước Xiêm, phải đáp khẩn cấp vì máy bay hết xăng. Trần Trinh Huy bị Nhà nước Xiêm tạm giữ và phạt về tội xâm nhập lãnh thổ trái phép số tiền tương đương 200 ngàn giạ lúa.
Ba Huy cũng là người rất cởi mở, không cổ hủ, cực đoan như nhiều điền chủ khác. Ông từng ủng hộ Việt Minh một lúc 13.000 tạ lúa. Công tử Bạc Liêu còn tỏ ra là một con người tự trọng, đã hứa với Chính phủ những gì thì ông sẽ làm thế ấy. Ông đã hứa với người lãnh đạo cao nhất của Tỉnh ủy Bạc Liêu là giảm tô, không hợp tác với Pháp, gửi vải vóc thuốc men cho kháng chiến và thực hiện đúng như vậy. Thích hội hè, Ba Huy có lẽ là người tổ chức hội chợ và hội thi “Hoa hậu miệt đồng” đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long.
Tình sử của công tử bạc liêu
Ba Huy có bốn người vợ và rất nhiều nhân tình. Người vợ đầu là người Pháp, trong thời gian Ba Huy đi học ở Paris. Về nước ông cưới một người vợ ở Bạc Liêu là Ngô Thị Đen. Bà này ở với Ba Huy sinh được người con gái là cô Hai Lưỡng. Sau cô Hai Lưỡng qua Pháp sống. Từ năm 1945, Ba Huy lên Sài Gòn ở hẳn. Ông lấy thêm một bà nữa (bà Nguyễn Thị Hai) và sinh được ba người con: Thảo, Nhơn, và Đức.
Bà cuối cùng, khoảng năm 1968, Ba Huy dọn về căn nhà phố đường Nguyễn Du, Sài Gòn. Mỗi sáng đứng trên lầu nhìn xuống, ông thấy một cô gái gánh nước đi qua đẹp quá. Hỏi thăm thì được biết cô gái đó là con ông già làm nghề sửa xe đạp. Ba Huy đến nhà ông già xin “đổi” căn nhà đó lấy cô gái. Ông già và cô gái sau khi bàn bạc đồng ý. Và đó là người vợ cuối cùng của Ba Huy, kém ông đến 50 tuổi. Bà sống chung thủy với ông đến ngày ông qua đời. Họ có ba con trai và một con gái tên Hoàn, Toàn, Trinh và Nữ.
Ông Ba Huy còn rất nhiều con với các nhân tình. Tuy những người đó không phải vợ chính thức nhưng con cái của họ đều được họ Trần thừa nhận.
Dù đã có tới 4 bà vợ với 9 người con chính thức, cùng hàng chục người tình với nhiều đứa con rơi, nhưng hầu hết họ đều đã định cư đâu đó ở nước ngoài hoặc thất lạc, nghèo khó đâu đó ở trong nước. Nhiều năm liền, không có người con nào đến ngày Thanh Minh về quét dọn khu mộ chôn hội đồng Trạch, Ba Huy và dòng họ Trần Trinh, vì vậy mà khu mộ của một gia tộc từng giàu có nhất nhì miền Nam suốt thời gian dài bị bỏ hoang phế.
Mãi gần đây mới có một người con của Ba Huy trở về cố hương sau khi giống như cha hoang phí hết gia sản và bị cuộc đời đẩy đến tận cùng nghèo khó ở đất Sài Gòn. Ông tên Trần Trinh Đức, ông trở về Bạc Liêu với vợ và một đứa con bị bệnh tâm thần.
Gia sản suy sụp và qua đời
Khi ông Trạch mất tại Sài Gòn năm 1942, tài sản được chia cho các con trai của ông, nhưng ông công tử Bạc Liêu không có tài làm ăn như cha mà chỉ quen tiêu pha nên gia sản cứ hao hụt dần. Trong thập niên 1960, hai cuộc cải cách điền địa của Việt Nam Cộng Hòa với chủ trương thu đất của đại địa chủ cũng khiến hầu hết ruộng đất của gia đình này bị mất đi. Không còn hoa lợi từ ruộng đất, không biết chuyển hướng kinh doanh sang các lĩnh vực khác như công nghiệp – dịch vụ, lại quen tiêu xài phung phí nên gia sản của công tử Bạc Liêu hao hụt nhanh chóng.
Công tử Bạc Liêu mất vào tháng 1 năm 1974 ở Sài Gòn và được đưa về an táng trong phần mộ gia đình tại ấp Cái Dầy, xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. công tử Bạc Liêu mất sau khi hoang phí gần hết gia sản, chỉ để lại cho các con mấy căn phố lầu. Đến lượt các con ông cũng giống như cha, không có tài kinh doanh mà lại tiêu xài phung phí, nên nhà cửa cứ bán dần.
Đến cuối những năm 1970, anh em trong nhà thống nhất bán căn nhà cuối cùng ở đường Nhất Linh (được 28 cây vàng) và chia mỗi người một phần, mỗi người tự tìm đường mưu sinh riêng. Một người con trai của ông Huy là ông Trần Trinh Đức nhớ lại: sau khi được kế thừa một phần tài sản của cha, cuộc sống gia đình ông Đức cũng rất khá giả, có thời gian còn mở cả nhà hàng, nhưng rồi đứa con gái duy nhất của ông sa vào bài bạc và mắc nợ, khiến ông phá sản. Ông Đức phải trôi dạt lên Sài Gòn và sau khi cô con gái lớn của ông bị lừa tình và mắc nợ, bị bệnh tâm thần phân liệt, phải bán nhà trả nợ, gia đình ông làm đủ thứ nghề để mưu sinh như bán giày cũ, chạy xe ôm… Tới đây thì chính thức kết thúc sự giàu có kéo dài chưa tới ba đời của dòng tộc hội đồng Trần Trinh Trạch. Năm 2009, gia đình ông được sự giúp đỡ của các mạnh thường quân đã trở về Bạc Liêu sinh sống.
Người xưa có câu không ai giàu ba họ. Đời ông giàu, đời cậu công tử Bạc Liêu giàu và cậu ăn chơi cho đến cuối đời để đến đời thứ 3, con cháu lâm vào ngõ cụt …Đây cũng là điều để chúng ta cùng chiêm nghiệm về luật nhân quả, ông Trạch phất lên nhờ gia sản của cha vợ và việc cho dân trò chơi vay nặng lãi, nhưng đời con cháu ông thì gia sản lại lụn bại cũng vì tiêu xài phung phí và ham mê trò chơi. Các bạn có thể theo dõi về ngôi nhà của Công Tửu Bạc Liêu hiện tại trong video dưới đây:
Tham khảo thêm những bí quyết giúp bạn trở thành một người đàn ông lịch lãm và bản lĩnh dưới đây:
Những bí quyết sống của người đàn ông lịch lãm, những điều trong cuộc sống người đàn ông nên biết
Gu thời trang nam – top những phong cách thời trang nam đang hot nhất!
Sức khỏe đàn ông – Những bí kíp chăm sóc sức khỏe nam giới
Một số điều về đàn ông mà chị em phụ nữ cần biết